Gia tăng tai nạn lao động

Gia tăng tai nạn lao động

Chủ doanh nghiệp phớt lờ các quy trình an toàn lao động, người lao động thiếu ý thức, thường xuyên vi phạm kỹ thuật an toàn dẫn đến tai nạn lao động (TNLĐ) có chiều hướng gia tăng.

Đảm bảo an toàn cho công nhân ở mỏ đá Ga Lôi

Trên 72% thuộc lỗi về chủ sử dụng lao động

Hậu quả của tai nạn lao động khiến người lao động lao đao, doanh nghiệp khốn đốn. Thế nên, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng và làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN). Họ đã chủ động mua sắm thêm máy móc hỗ trợ, trang bị bảo hộ lao động... nhằm giảm thiểu rủi ro cho lao động. Tuy nhiên, tai nạn lao động vẫn diễn ra phức tạp, tăng cả về số vụ và số người chết. Năm 2015, toàn tỉnh  xảy ra 47 vụ tai nạn lao động, làm chết 4 người, chi phí gần 1 tỷ đồng; 32 vụ cháy tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà dân và phương tiện giao thông (tăng 15 vụ so với năm 2014), gây thiệt hại gần 33 tỷ đồng.

Nguyên nhân xảy ra TNLĐ có đến trên 72% do người sử dụng lao động không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ; không quan tâm tới việc cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Người lao động lại thiếu ý thức, thường xuyên vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không ý thức được việc tự bảo đảm an toàn lao động cho mình, cho những người làm việc xung quanh. Việc đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn lao động của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn cho người lao động. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh còn mỏng nên công tác thanh kiểm tra chưa được thường xuyên. Người lao động  vẫn phải làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ tiềm ẩn dễ dẫn đến tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Hơn nữa, chế tài xử phạt ở lĩnh vực này còn khá nhẹ. Thực tế, số vụ tai nạn lao động chết người được đưa ra xét xử chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải có sự quan tâm thích đáng cho công tác an toàn lao động cũng như có báo cáo kịp thời đến cơ quan chức năng. Thực tế, công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ còn hạn chế. Việc nắm tình hình của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chưa kịp thời, chưa đầy đủ, nhất là các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động cũng như các đơn vị ở địa phương khác đến thi công trên địa bàn tỉnh. Số doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ chỉ chiếm khoảng 10% số doanh nghiệp hiện có. Nhiều doanh nghiệp cố tình giấu thông tin về các vụ TNLĐ xảy ra tại doanh nghiệp cũng như không gửi các báo cáo về tình hình TNLĐ đến cơ quan chức năng. Điều này khiến cơ quan chức năng khó thống kê một cách chính xác, cụ thể và tìm ra những nguyên nhân, biện pháp khắc phục, hạn chế TNLĐ trong các trường hợp tương tự để có biện pháp khắc phục.

Tăng cường công tác kiểm tra

Để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo ATVSLĐ, cần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của người lao động trong việc tự bảo vệ mình và đồng nghiệp. Các doanh nghiệp cần tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho người lao động về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, những tai nạn lao động cần đề phòng. Các doanh nghiệp phải xem việc thực hiện công tác ATVSLĐ là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là của người sử dụng lao động và người lao động. Ông Nguyễn Văn Tường Vy, Chủ tịch Công đoàn cơ sở ở Công ty cổ phần Khai thác đá Thừa Thiên Huế cho biết: Một trong những then chốt để đảm bảo ATLĐ trong công tác vận hành máy móc là người quản lý cần nắm chắc và quản lý chặt chẽ về số lượng cũng như tình trạng của các máy móc thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và vệ sinh lao động trong phạm vi doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra các khu vực sản xuất, phối hợp với tổ trưởng các tổ sản xuất và mạng lưới an toàn vệ sinh viên đôn đốc kiểm tra nhắc nhở công nhân chấp hành nghiêm túc các quy trình. Đồng thời, công đoàn phải đề xuất các biện pháp cải tạo điều kiện môi trường lao động, loại bỏ bớt các yếu tố nguy hiểm độc hại phát sinh trong lao động sản xuất .

Một biện pháp góp phần giảm thiểu tai nạn là tăng cường công tác thanh - kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn, nguy cơ cao như xây dựng, nhất là tại các công trình xây dựng nhỏ, công trình trọng điểm sử dụng nhiều lao động thời vụ. Người sử dụng lao động phải thường xuyên đánh giá nguy cơ gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp liên quan đến môi trường làm việc, công cụ máy móc, thiết bị, các chất và tác nhân hoá học, vật lý và sinh học để đưa ra các biện pháp phòng ngừa, loại bỏ các nguy cơ tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện làm việc để đảm bảo an toàn cho người lao động. Ông  Phan Quang Trung,  Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và xã hội cho biết: Chúng tôi đã tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, nhất là các ngành nghề có nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Chỉ khi cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ, doanh nghiệp, người lao động chủ động phòng ngừa ngay tại đơn vị thì vấn đề “nóng” về ATLĐ mới hạ nhiệt.

Bài, ảnh: Huế Thu 

(Nguồn tin: Báo điện tử Thừa Thiên Huế)

Đánh giá bài viết
Bình luận của bạn
Đánh giá của bạn:
*
*
*
 Captcha

Số lần xem: 2194

CÔNG TY CỔ PHẦN SỨC KHỎE MÔI TRƯỜNG MIỀN NAM

Địa chỉ: Số 9-11 Đường D14B, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, TP.HCM

Tel: (028)66851638

Hotline: 0908.067.408 -  0974.183.742

Email: Thonguyen@antoanmiennam.com
            Ngan.ntd@antoanmienam.com

Website: quantracmoitruonglaodong.com

Đội Ngũ Hỗ Trợ