Nghệ An sập mỏ đá làm 3 người chết, 1 người bị thương: “Lỗ hổng” trong công tác an toàn lao động
Khoảng 17h ngày 16.10, đã xảy ra vụ sập mỏ đá của doanh nghiệp (DN) tư nhân Hải Hà, đóng tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An làm 3 người chết, 1 người bị thương nặng. Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng này cho thấy nhiều vấn đề cần giải quyết trong công tác quản lý để tăng cường, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Mỏ đá nơi xảy ra tai nạn lao động làm 3 người chết, 1 người bị thương của DNTN Hải Hà tại xã Châu Cường - Quỳ Hợp.
Tai nạn thương tâm
Ba người chết trong vụ tai nạn gồm anh Lương Văn Hương (SN 1982, trú xóm Quang Hương, xã Châu Quang) và 2 người khác ở xã Châu Cường cùng một lái xe chưa rõ danh tính, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, trong tình trạng nguy kịch. Công tác khắc phục hậu quả được tiến hành khẩn trương; cơ quan chức năng đã khám nghiệm tử thi và giao thi thể cho các gia đình mai táng.
Phía DN cũng đã nhận trách nhiệm, được biết đã thỏa thuận hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 180 triệu đồng; chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị thương. Tiền, vật chất bao giờ cũng là con số cụ thể, nhưng nỗi đau, mất mát của các gia đình là không thể đong đếm, bù đắp được. Các nạn nhân đều trong độ tuổi lao động (LĐ), trụ cột của gia đình, vì vậy hậu quả vụ việc còn kéo dài và liên quan đến nhiều người.
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng cho hay, hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, song theo thông tin ban đầu, mỏ đá của Cty Hải Hà đã hết hạn (được cấp phép thăm dò với thời hạn cấp phép là từ ngày 6.5.2015 đến ngày 6.5.2016 - PV), và thực tế cũng đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, theo một nguồn tin, tại công trường có một số tảng đá có nguy cơ sụt lở, khi công nhân tiến hành khắc phục, thì đá lở gây tai nạn. Được biết, hiện Quỳ Hợp có hơn 200 DN tư nhân làm nghề khai khoáng, chủ yếu là khai thác các mỏ đá hoa cương, đá trắng và quặng thiếc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn LĐ và ô nhiễm môi trường.
Ý thức bảo đảm an toàn lao động chưa cao
Ở Nghệ An, tai nạn LĐ luôn là nỗi quan tâm, lo lắng thường trực tại nhiều DN. Chưa tính vụ xảy ra tại Cty Hòa Hải, trong 10 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn LĐ tại 7 đơn vị làm chết 6 người và 16 người bị thương. Ngày 18.4, tại xưởng sản xuất ván ép của Cty CP Thế giới gỗ Việt Nam (KCN Nam Cấm, Nghi Lộc) xảy ra vụ nổ lò hơi khiến 11 người bị bỏng. Điều đáng nói, những nạn nhân của vụ tai nạn này đều chưa được đóng BHXH, BHYT. Cty này đã từng có nhiều vi phạm về quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) và đã bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt hành chính 40 triệu đồng vào tháng 12.2015.
Cụ thể, khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về thiết kế PCCC thì Cty đã tổ chức xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy gỗ dán khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Đến nay, công tác điều tra nguyên nhân vụ việc vẫn chưa kết thúc, và người LĐ vẫn còn nhiều thiệt thòi. Đại diện cơ quan chức năng cho biết việc giải quyết hậu quả tại Cty kéo dài do liên quan đến yếu tố nước ngoài (DN do người Ấn Độ làm chủ), và cả chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, qua kiểm tra (7 đơn vị thuộc CĐ ngành xây dựng, công thương, giao thông, Khu KT Đông Nam, Nghi Lộc, Diễn Châu, TP. Vinh và 2 đơn vị thuộc UBND huyện Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai), nhận thấy các DN cơ bản chấp hành tốt về ATVSLĐ-PCCN. Tuy nhiên chính quyền các cấp, người sử dụng LĐ một số nơi vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc chấp hành tốt pháp luật về ATVSLĐ. Người LĐ chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong công tác ATVSLĐ.
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An Hồ Thị Châu Loan cho hay, thực hiện Luật ATVSLĐ, có hiệu lực từ ngày 1.7, cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo đảm ATVSLĐ cho chủ sử dụng LĐ, người LĐ, các cơ quan chức năng. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh, nhiều đơn vị đã bị xử phạt hành chính, yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm ATVSLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng người sử dụng LĐ và cả người LĐ chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ; trang cấp thiết bị bảo hộ LĐ chưa đầy đủ; huấn luyện chưa đạt yêu cầu… Giải pháp, theo bà Hồ Thị Châu Loan, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn; thanh tra, kiểm tra, đôn đốc; vừa tạo điều kiện cho DN hoạt động vừa kiên quyết bảo đảm ATVSLĐ.
QUANG ĐẠI
(Nguồn tin: http://laodong.com.vn/)
Số lần xem: 2205